- Tên khác: ngao, giàu
- Tên khoa học: Morinda citrifolia, thuộc họ cà phê
- Tính vị: Trái nhàu vị chua, tính mát; rễ nhàu vị chát tính bình.
- Công dụng chính: Trái tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ điều trị tiểu đường, đái dầm, ho, điều hòa kinh nguyệt; rễ giảm đau nhức xương khớp, hạ huyết áp.
Nhắc đến trái nhàu, con nít quê tôi mười đứa thì sợ hết mười bởi cái mùi chua ngai ngái của nó. Cầm trái nhàu đang chín trên tay, nhìn cái nước da mỏng bóng lưỡn vàng chanh mà lại hơi có u có nần, hầu như đứa nào cũng muốn tiết nước bọt: “Ời ơi… chua!”.
Thế mà như một thói quen, hễ thấy trái nhàu chín mọng trên cây hay những trái đã già, gần chín, trông khá bắt mắt là chúng tôi lại tiện tay bẻ về rồi bỏ vô khạp đựng muối. Cứ thế, trái nhàu sẽ chín từ từ mà không bị thối rửa, người lớn lâu lâu buồn miệng lại lấy một trái ra ăn. Họ bảo: “Ăn nhàu đi bây, cho hết đái dầm”. Chúng tôi lè lưỡi bỏ chạy.
Mục lục hiện
Trái nhàu với trẻ con tiểu dầm
Thật vậy, trái nhàu là nỗi ám ảnh lớn nhất của những đứa trẻ đã hơn 5 tuổi, thậm chí hơn 10 tuổi mà vẫn còn đái dầm ban đêm, ướt thâm cả chiếu. Thấy thế, ông bà nó lại bắt tối nào cũng phải ăn tươi 1 trái nhào chín chấm muối, vừa chua lại vừa ngai ngái, liên tục trong 1 tuần như thế thì bảo sao không sợ cho được! Đã bao nhiêu năm rồi, hình ảnh trái nhàu trong lòng thế hệ chúng tôi vừa là một ký ức ám ảnh, vừa là những kỷ niệm đẹp một thời mà bây giờ không cách nào tìm lại được.
Bây giờ, đi ven theo các bờ ao, bờ ruộng ở miền Tây, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy những cây nhàu trĩu oằn trái chín bởi những người thích ăn nhàu không còn nhiều như trước nữa. Những đứa trẻ bây giờ thi thoảng thấy trái nhàu thì cũng chỉ hái để chọi nhau chơi. Thế nhưng, bài thuốc rượu từ trái nhàu thì vẫn còn nhiều người dùng, nhất là những người có thói quen dùng rượu thuốc.
Công dụng của trái nhàu
Trái nhàu cho người nhức mỏi
Cậu Hai tôi, trong nhà không chứa gì nhiều bằng rượu thuốc. Nào là rượu chuối hột, rượu trái giác, rượu nho, rượu rắn… và tất nhiên là có cả rượu trái nhàu.
Rượu trái nhàu thì mỗi người có một cách ngâm khác nhau. Riêng cậu tôi, ông chọn cách đơn giản nhất là bẻ những trái nhàu vừa chín tới rồi rửa sạch, để ráo và cứ thế cho nguyên trái vào keo, đổ cho rượu ngập đều (rượu nếp gốc khoảng 40 độ), ngâm như thế khoảng 2 tháng thì dùng.
Rượu trái nhào được biết đến với công dụng chủ đạo là điều trị nhức mỏi. Chiều chiều, sau bữa ăn, cậu tôi lại rót lưng một ly nhỏ để uống rồi quay sang khề khà: “Uống hong tụi bây, ngon lắm”. Chúng tôi nhìn cậu, lắc đầu, lè lưỡi.
Công dụng của trái nhàu
Thật ra, trái nhàu (quả nhàu) còn có nhiều công dụng hơn tôi vẫn nghĩ. Theo y học cổ truyền, quả nhào chín ăn tươi, chấm với muối không chỉ giúp nhuận tràng, dễ tiêu hóa mà còn có các tác dụng như:
- Lợi tiểu, giảm ho.
- Điều trị phù thũng
- Tiểu đường.
- Điều trị kiết lỵ (nướng chín rồi ăn).
- Điều hòa kinh nguyệt, điều trị băng huyết, huyết trắng (1) (2).
Bên cạnh trái nhàu chín, trái nhàu sống cũng được dùng làm thuốc, đặc biệt là bài thuốc giúp tan máu bầm do ngã, va đập hoặc bị đánh tổn thương. Trong trường hợp này, dùng 3 trái nhàu non với một ít rễ cây cát lồi (khoảng 10 g) và một ít củ tầm sét (khoảng 10 g) đem phơi khô rồi tán nhỏ, sau đó sắc uống trong ngày (sắc trong 400 ml nước đến khi còn 100 ml nước thì dùng) (2).
Công dụng của rễ nhàu
Ngoài quả nhàu, rễ cây nhàu cũng là một vị thuốc được dùng phổ biến ở miền Nam với công dụng thanh nhiệt, giải độc và điều trị cao huyết áp. Cách dùng rễ nhàu rất đơn giản, người bệnh chỉ cần sắc khoảng 30 – 40 g rễ rồi uống như trà mỗi ngày, sau nửa tháng sẽ bắt đầu thấy hiệu quả. Tuy nhiên, đây là bài thuốc từ thiên nhiên nên cần dùng kiên trì nhiều tháng liền để ổn định huyết áp (sau hai ba tháng thì giảm liều lượng xuống) (1) (2).
Mặt khác, nếu không quen dùng rượu quả nhàu (quả xanh non) để giúp giảm nhức mỏi, tê bại, đau lưng, người bệnh cũng có thể dùng rễ nhàu thái nhỏ, sao vàng rồi ngâm rượu uống (mỗi lần khoảng 1 muỗng canh thuốc rượu, ngày uống 2 lần) (2).
Công dụng cuả lá nhàu
Ở quê tôi, thỉnh thoảng người ta cũng nhai lá nhàu để đắp lên các mụn nhọt. Mặt khác, theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu y học, lá nhàu còn có thể nấu canh ăn để tẩm bổ (nấu với lươn) hoặc sắc lấy nước uống giúp bồi bổ cơ thể, điều trị sốt, kiết lỵ hay trong người thường xuyên nhức đầu, chóng mặt (sắc từ 8 – 10 g lá nhàu khô trong 500 ml nước rồi chia thành 2 lần uống trong ngày) (1).
Ngoài ra, người ta còn lấy lá nhàu tươi hơ nóng rồi đắp lên ngực và bụng để giảm ho, nôn mửa và đau bụng (2).
Cây nhàu và những hoạt tính qua nghiên cứu y học
Nhiều bộ phận của cây nhàu đã được nghiên cứu và cho ra nhiều kết quả khả quan. Có thể kể ra đây một số hoạt tính đáng ghi nhận như:
- Nước ép quả nhàu giúp chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư (4).
- Chiết xuất nước từ rễ cây nhàu có tác dụng giảm đau (5).
- Chiết xuất ethyl acetate của rễ, quả và lá cây nhàu có tác dụng chống oxy hóa đáng kể (mạnh nhất là rễ) (6).
Lưu ý
- Mặc dù rễ nhàu được đánh giá là có độc tính thấp, không đáng kể và không gây nghiện nhưng cũng cần lưu ý về liều lượng và đối tượng sử dụng (đặc biệt là phụ nữ có thai) (1).
- Đã có báo cáo về trường hợp bị tăng kali máu ở bệnh nhân suy thận do dùng nước ép quả nhàu (bởi quả nhàu có chứa kali, nồng độ điều tra được là 56.3 mEq/L), vì vậy, bệnh nhân suy thận không nên dùng quả nhàu (7).
- Khi có nhu cầu dùng các thành phần của cây nhàu làm thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để có sự dướng dẫn phù hợp nhất.
Thông tin thêm về cây nhàu
Cây nhàu, hay còn gọi là cây nhào, cây ngao, nhàu rừng, nhàu núi, nhầu núi, giầu… có tên khoa học là Morinda Citrifolia L., thuộc họ Thiến thảo: Rubiaceae (3).
Cây thuộc dạng thân gỗ nhỡ, cành non có 4 cạnh có thể nhìn rõ. Các lá nhàu khá to (dài từ 12 – 30 cm), có màu xanh lục, phiến lá hình bầu dục nhọn và mép lá hơi lượn sóng.
Quả nhàu trông như có các u, nần bởi thực chất, đó là quả kép do nhiều quả nhỏ dính vào nhau, mỗi quả nhỏ là một u, nần tạo thành khối quả to hình cầu hoặc hình trứng, khi chín thường có màu vàng chanh hoặc trắng vàng, có mùi thơm ngai ngái (nhiều người không ăn được vì không thích mùi ngày). Trong quả nhàu có lớp cơm mềm có thể ăn được và chứa nhiều hạt bên trong.
Ở Việt Nam, cây nhàu phân bố nhiều ở các tỉnh Nam Bộ, ngoài ra cũng được tìm thấy ở một số tỉnh miền Trung.